Hãy cảnh giác với dịch sốt xuất huyết trong bối cảnh Covid-19
ĐTO - Hiện nay, mùa mưa, bão đang đến gần, đây là điều kiện thời tiết thuận lợi làm bùng phát dịch bệnh theo mùa, nhất là dịch sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.700 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc có giảm nhẹ nhưng số tử vong tăng 1 trường hợp. Theo nhận định của các chuyên gia, dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng lan rộng và số ca mắc tiếp tục tăng cao do đây chỉ là thời điểm mới bắt đầu vào mùa mưa.
Phân biệt sốt trong sốt xuất huyết và sốt trong Covid-19
Tại Đồng Tháp, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tính từ năm đến nay là 728 ca, tăng 69,69% (299 ca) so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 28 ca nặng và 1 trường hợp tử vong. Qua đó cho thấy, tình hình sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các địa phương như: TP Cao Lãnh, huyện Hồng Ngự và TP Hồng Ngự... Trên thực tế, con số này có thể nhiều hơn so với số lượng thống kê do nhiều nguyên nhân.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn tiến phức tạp như hiện nay, nhiều bậc phụ huynh khi thấy con em mình có biểu hiện sốt, mệt mỏi lại nhầm tưởng nghi ngờ có khả năng bị nhiễm Covid-19 mà quên đi bệnh sốt xuất huyết vẫn còn và đang chờ cơ hội bùng phát thành dịch.
Bênh cạnh đó, nhiều người dân vẫn còn tâm lý sợ dịch bệnh Covid-19 nên hạn chế đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám dù đã có triệu chứng, hay do tâm lý chủ quan, xem nhẹ bệnh. Trên thực tế, đã có những trường hợp gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm nên khi trẻ được đưa đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn, làm tăng nguy cơ tử vong và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này nếu vượt qua được.
Khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ vào bệnh viện nhanh nhất có thể: Trẻ quấy khóc, bứt rứt, vật vã, khó chịu hoặc li bì; đau bụng, đối với trẻ nhỏ chưa biết nói có thể biểu hiện qua tiếng khóc của trẻ, người nhà phải đặc biệt lưu ý; chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu; đi ngoài phân đen; tay chân lạnh; nằm yên một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.
Để chủ động phòng, chống và nâng cao hiệu quả ngăn dịch bùng phát, mỗi cá nhân hãy nâng cao ý thức, triển khai 4 việc sau đây:
Mỗi ngày dành 10-15 phút để dọn dẹp vệ sinh nơi ở, nơi làm việc. Từ trong nhà đến xung quanh cần được thu dọn ngăn nắp, không để các vật chứa đọng nước như xô, lọ, chai... làm nơi đẻ trứng của muỗi và phát sinh lăng quăng. Bình hoa, chậu cây kiểng cần thay nước định kỳ mỗi tuần 1 lần. Đậy kín lu, chậu, phuy chứa nước khi không dùng đến. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang muỗi, kem xua muỗi, mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày.