Váo những tháng đầu năm nhiều người dễ mắc phải những căn bệnh truyền nhiễm như: cảm cúm, quai bị, thủy đậu… Do đó vào thời điểm này ở các bệnh viện số ca những căn bệnh truyền nhiễm thường tăng cao
Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, mùa đông là mùa virus cúm, vi khuẩn phát triển rất mạnh. Đặc biệt sắp tới đến mùa lễ hội, Tết Nguyên đán, bệnh lây từ động vật sang người như cúm gia cầm, liên cầu lợn có nguy cơ bùng phát. Sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh với 2.000 ca mắc mới mỗi tuần, ít hơn so với năm 2015. Một số nơi như Khánh Hòa, Bình Định… dịch còn diễn biến phức tạp.
Thạc sĩ Chu Văn Tuyến, Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, thống kê 9 bệnh thường gặp trong các tháng đầu năm:
1. Cúm
Đây là bệnh hay gặp, phổ biến vào mùa xuân, đặc biệt khi thời tiết ẩm. Trong 5 năm qua (2011-2015), trung bình mỗi tháng có hơn 100.000 bệnh nhân, một số ca tử vong.
Bệnh cảm cúm
Bệnh lây qua đường hô hấp, các giọt nước bọt bắn hay dịch tiết mũi họng của người bệnh do ho, hắt hơi. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Để phòng bệnh, người dân cần chú ý thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tiêm văcxin cúm mùa phòng bệnh…
2. Sởi, rubella
Dịch hay xảy ra vào mùa xuân, trong 3 tháng đầu năm 2011 cả nước ghi nhận hơn 4.000 ca mắc, sau đó giảm dần xuống dưới 500, đến năm 2014 lại tăng lên gần 6.000 ca, với 73 người tử vong liên quan sởi.
Để phòng bệnh sởi, rubella, người dân cần lưu ý đưa trẻ 9 tháng tuổi đi tiêm mũi văcxin sởi mũi 1 và trẻ 18 tháng tuổi tiêm văcxin sởi-rubella. Ngoài ra cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; bệnh rất dễ lây vì thế không trẻ đến gần các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh…
3. Thủy đậu
Bệnh hay gặp trong tháng đầu năm, có số mắc tương đối cao, dễ lây thành dịch. Trong 3 tháng đầu năm ngoái, cả nước ghi nhận hơn 34.000 ca bệnh thủy đậu. Biểu hiện của bệnh gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Bệnh đã có văcxin và được tiêm theo hình thức dịch vụ khi trẻ được một tuổi.
4. Quai bị
Trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận gần 5.500 ca mắc. Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên. Để phòng bệnh, cha mẹ có thể đưa con đi tiêm văcxin khi trẻ được một tuổi.
Biểu hiện bệnh gồm sốt, đau đầu, viêm họng, viêm tuyến nước bọt mang tai, biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn gây vô sinh.
5. Tiêu chảy
Đây là bệnh thường gặp nhất và do nhiều nguyên nhân: virus, vi khuẩn như tụ cầu vàng, thương hàn, lị… 3 tháng hàng năm nước ta đều ghi nhận số mắc rất cao, rải rác tử vong. Năm 2015 nước ta ghi nhận hơn 125.000 ca bệnh, 3 trường hợp tử vong. Mất nước là dấu hiệu nguy hiểm nhất, nguy cơ tử vong rất cao đặc biệt là người già, trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa vì thế để phòng bệnh cần thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn chín uống sôi…
6. Tay chân miệng
Đa phần bệnh có biểu hiện nhẹ, trẻ có thể cách ly, điều trị tại nhà; tuy nhiên một số trường hợp mắc bệnh do virus EV71 bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong. Trong 3 tháng đầu năm ngoái, cả nước ghi nhận gần 10.000 ca bệnh, 2 trường hợp tử vong.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, biến chứng nguy hiểm – viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… Để phòng bệnh, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, chế biến thức ăn… Trẻ bị bệnh cần được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh.
7. Liên cầu lợn
Bệnh thường tăng cao trong các tháng đầu năm, lây từ động vật sang người. Trong năm 2013, chỉ trong 3 tháng đầu năm số mắc tăng vọt lên 43 ca, tử vong 5; cùng giai đoạn này năm ngoái cũng có 8 ca mắc.
Để phòng bệnh, người dân cần chú ý tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như nem chua, nem chạo, lòng trần… Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, có tiền sử chăn nuôi giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh thì cần đến ngay cơ sở y tế.
8. Bệnh virus Adeno
Bệnh có nhiều tuýp huyết thanh nên biểu hiện lâm sàng đa dạng: viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm họng, viêm kết mạc, có thể gây tiêu chảy… Hiện chưa có văcxin phòng bệnh.
Trường hợp nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà. Trường hợp nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng thì cần được điều trị và cách ly tại bệnh viện.
9. Cúm A/H5N1
Đây là loại cúm gia cầm, lây truyền từ gia cầm sang người, bệnh cũng lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc vật dụng nhiễm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm virus cúm A/H5N1. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện chưa có văcxin hay thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo thống kê, sau rất nhiều năm không ghi nhận bệnh nhân nào, năm 2014 nước ta có 4 ca nhiễm cúm gia cầm, 2 người tử vong. Để phòng bệnh, người dân cần chú ý không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn… Khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm thì cần đến ngay cơ sở y tế.
Trên đây là những căn bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất và rất nguy hiểm, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ để mau chóng khỏi bệnh. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết.