Hà Nội hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 mũi 3
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn về việc tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19.
Tại công văn này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận/huyện/thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền.
Ngoài ra, các đơn vị trên cần thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng, lập kế hoạch tiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản số 10722/BYT-DP ngày 17/12. Cụ thể:
Tiêm liều bổ sung vaccine COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng bao gồm: người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người ghép tạng, ung thư, HIV;… người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V. Loại vaccine tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.
Tiêm liều nhắc lại vaccine COVID-19 cho đối tượng người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 3 tháng.
Liều cơ bản là liều vaccine tiêm theo liệu trình quy định của nhà sản xuất. Trong các loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt và được tiêm ở Việt Nam, chủ yếu là các loại vaccine liệu trình hai liều (thường gọi là mũi một, mũi hai), như vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm..., mỗi liều tiêm cách nhau tối thiểu 3-8 tuần tùy loại.
Liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày.
Liều nhắc lại, còn gọi là liều tăng cường, tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 3 tháng.
Sở Y tế cũng yêu cầu đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
Về loại vaccine: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA (như vaccine Pfizer, Moderna...); nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine AstraZeneca (vaccine vector virus).
Đối với những người đã mắc COVID-19 tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành cách ly y tế theo đúng quy định.
Trước đó, ngày 17/12, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 25, trong đó chính quyền Hà Nội yêu cầu việc tiêm vaccine phải thực hiện "thần tốc" theo kế hoạch để phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất hoàn thành trước 31/12; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi trước 31/1/2022; hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022.
Tới hết ngày 20/12, Hà Nội đã tiêm được hơn 14,1 triệu mũi tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều trên địa bàn thành phố là gần 95%; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều là hơn 94%.
Với nhóm dân số từ 12-17 tuổi, từ 23/11 đến nay đã có hơn 816.800 mũi được tiêm, trong đó có gần 660.000 mũi 1 (đạt hơn 97% tổng số trẻ trong lứa tuổi này), hơn 157.000 mũi 2 (đạt hơn 23%), theo Sở Y tế.