Đây là bài dự thi cuộc thi "Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Đào Tuấn Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nội.
Từ tận đáy lòng mình em xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội kết hợp cùng báo Việt Nam Net tổ chức cuộc thi viết ý nghĩa này để các học sinh trong độ tuổi đang trưởng thành được nói ra những mơ ước, bọc bạch những tâm sự thật lòng với mong muốn gửi đến những nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng cùng nhìn nhận vấn đề “trẻ em” một cách nghiêm túc và hành động cụ thể hơn bởi thực tế nhiều vấn đề các bạn trẻ đối mặt và những nguy cơ của trẻ nhiều khi không được người lớn và những người có trách nhiệm nhận thức một cách đầy đủ.
Trẻ em hôm nay
Thế giới ngày mai
Đó là bài ca
Cũng là câu hát…
Đúng vậy, trẻ em là mầm non của xã hội nên nếu chúng ta có chiến lược tốt để phát huy thế mạnh cho thế hệ trẻ hôm nay thì chúng ta sẽ có một xã hội tốt đẹp trong mai sau. Thực tế chúng ta đã dành được độc lập sau những năm tháng dài chiến tranh cam go, ác liệt. Đất nước ta đã chuyển mình theo hướng tích cực trong suốt những năm sau chiến tranh. Chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đã và đang hội nhập vào cuộc sống năng động của nhân loại toàn thế giới. Đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Thế nhưng chúng ta hãy dành chút thời gian quan sát tường tận, tinh tế đời sống xã hội hiện tại để thấy được những vấn đề bức xúc, những thách thức và nguy cơ mà thế hệ trẻ đang phải đối mặt.
|
Bạo lực học đường là một trong những nguy cơ trẻ phải đối mặt. Ảnh: Theo VTC |
1. Về mặt xã hội: Trẻ em sống trong một thế giới mất an toàn cả ở thành thị và nông thôn. Trẻ em sống trong hoàn cảnh khó khăn và rủi ro: Nhiều trẻ em phải chứng kiến bạo lục gia đình đặc biệt là trẻ em gái ở nông thôn và bạo lực học đường với trẻ em ở thành phố.Đó là những vấn đề gây nhức nhối và thách thức trong xã hội Việt nam hiện nay. Ở thành thị các nguy cơ tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội như nghiện hút, tiêm chích… Thiếu sân chơi lành mạnh và môi trường sống ô nhiễm. Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, sự chênh lệch lớn về đẳng cấp đã gây áp lực lớn lên trẻ em và chính không giải quyết được vấn đề nên trẻ em buông xuôi, phó mặc hay lao vào thế giới ảo của các trò Games Online. Trẻ em nông thôn thiếu thốn mọi bề: Thiếu kiến thức xã hội, không được dùng nước sạch, môi trường vệ sinh kém, chất lượng giác dục và y tế kém, đói nghèo đẩy các em ra khỏi gia đình và trường học, thiếu sân chơi lành mạnh, thiếu sự quan tâm sâu sát của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và gia đình, thiếu tư vấn và định hướng nghề nghiệp…
2. Các cơ quan chức năng: Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không dành sự quan tâm đúng mực cho trẻ em. Những người tâm huyết muốn mang lại những điều tốt lành nhất cho các em thì không có tiếng nói, không có cơ hội được cống hiến. Lạ thay chính quyền sử dụng lực lượng ra tù để dẹp trật tự ngoài chợ, bệnh viện hay những nơi công cộng khác.
3. Nhà trường: Thiếu trường lớp, thiếu các phòng chức năng dành cho trẻ em. Thiếu thầy cô tận tụy, tâm huyết với nghề. Nhiều thầy cô giảng trên lớp chỉ là hình thức, nạn dạy thêm tràn lan nên các em không có thời gian chơi và nhiều em phải chịu áp lực bị phân biệt đối xử do tài chính của gia đình không được dồi dào nên không thể tham gia các lớp học thêm. Các em phải chịu nhiều thiệt thòi do nền giáo dục áp đặt. Các em phải chấp hành bài vở theo đúng ba-rem, học hành theo kiểu sao chép nguyên vẹn: Văn phải học thuộc, toán phải làm đúng hướng dẫn…Chính nền giáo dục áp đặt đã làm học sinh không năng động, không sáng tạo và gây nhiều bức xúc cho trẻ bởi các cách giải sáng tạo không được thầy cô quan tâm và ghi nhận. Quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội không được sâu sắc. Sự phân bổ học sinh của các trường không đồng đều, nơi quá đông, nơi quá vắng đã gây tâm lý không tốt cho trẻ em.
4. Gia đình: Ở thành phố nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nên đầu tư tràn lan. Các phụ huynh quá kỳ vọng vào con em mình nên gây áp lực không nhỏ cho trẻ em. Có học sinh phải học gia sư nhiều ca trong ngày nên không có thời gian chơi và làm trẻ em quá mệt mỏi. Trẻ em trở nên thụ động và chỉ biết làm theo người lớn sắp đặt như một cái máy. Trẻ em không có quyền được nói lên mong muốn của mình nên đã có rất nhiều bạn trẻ bị trầm cảm hay trở nên thô thiển, cộc cằn, đánh bạn gây bạo lực học đường. Ăn uống thì bị ép uổng, thừa chất dẫn đến tình trạng trẻ em dậy thì sớm và đó là tiềm ẩn của nhiều loại bệnh tật. Trong khi đó thì trẻ em nông thôn thiếu thốn trăm bề. Uống sữa là chuyện quá xa xỉ với trẻ nhỏ, ăn uống đủ dinh dưỡng là chuyện chỉ biết cho vui, đi học thì sách vở không đầy đủ, con học lớp mấy bố mẹ cũng không biết… Cuộc sống quá chênh lệch khiến các em chán nản, buồn bã… và rồi các em lao vào chơi Games hay những ước mơ phi thực tế. Ở thành phố do thị hiếu chạy theo đồng tiền các phụ huynh không dành thời gian cho con cái, phó mặc các em với người giúp việc, gia sư và nhà trường và rồi bù đắp cho các em bằng tiền và vật chất đắt tiền… Suy nghĩ lệch lạc của người lớn chính là nỗi buồn lớn cho trẻ em và cũng gây nhiều thiệt thòi cho trẻ. Một số trẻ em tiêu tiền vô tội vạ và có nhiều em đã mắc phải các tệ nạn chết người. Trẻ em sống ích kỷ, coi thường kẻ nghèo, lý tưởng hóa cuộc sống và khi không đáp ứng được như ý thì đánh nhau gây bạo lực… Nhiều bố mẹ trẻ làm ra tiền nên coi thường các bậc tiền bối, không coi trọng nề nếp gia phong và truyền thống gia đình khiến trẻ em rơi vào những tình huống khó phân tích.
5. Bản thân trẻ: Ngày nay một phần lớn trẻ, kể cả ở thành thị và nông thôn đã bị ảnh hưởng lớn do suy nghĩ không đúng của người lớn nên trẻ sống thiếu lý tưởng. Trẻ em nghĩ quá nhiều đến hưởng thụ mà không quan tâm đến cống hiến. Trẻ không quan tâm đến người khác. Học sinh học hành đối phó thiếu động cơ trong học tập hay thiếu ý thức nên không phát huy được thế mạnh của bản thân. Một số học sinh có tiền lôi kéo các bạn khác gây bè phái, mất đoàn kết. Nhiều em không quan tâm đến các hoạt động gia đình, lười biếng…